• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Để ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, tháng 7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị lấy ngày 27/7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc"; đến tháng 7/1955, được đổi thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ".

Bác Hồ thăm hỏi, động viên các chiến sĩ thương binh. Ảnh: TL

Trong thư gửi Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc" đầu tiên, ngày 27/7/1947, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy"; “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh". Từ đó, Người thường xuyên gửi thư và quà thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ; nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Tháng 7/1951, Bác phát động phong trào “Đón thương binh về làng" để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh". Người viết: “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian...". Theo Người, không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh, mà mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của đồng bào, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới, tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy để lấy hoa lợi nuôi thương binh. Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ... Người tin tưởng: “Với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tôi tin chắc rằng công việc đón anh em thương binh về làng sẽ có kết quả tốt đẹp".

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta giành thắng lợi, trong dịp cơ quan Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội, ngày 31/12/1954, Bác dẫn đầu đoàn đại biểu tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ Thủ đô để tượng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đứng trước anh linh những anh hùng liệt sĩ, Người nghẹn ngào: “Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ...". Ngày 5/1/1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Bác nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...". 

Đặc biệt xúc động, trước khi đi xa, tháng 5/1968, Người đã viết thêm mấy điểm vào bản Di chúc, căn dặn Đảng, Nhà nước phải quan tâm nhiều hơn đối với công tác thương binh, liệt sĩ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, than niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh"…"; “Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta..."; “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…".

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn", “đền ơn đáp nghĩa", Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ. Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng", nêu rõ: “Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng". Đó cũng chính là mong muốn của Người: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ"; làm cho họ được “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội".

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 3311

Tin liên quan