• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
(KGO) - Xác định ma túy là nguyên nhân của các loại tội phạm, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này, nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Theo Công an tỉnh Kiên Giang, ma túy len lỏi vào địa bàn tỉnh chủ yếu theo đường nội địa. Kiên Giang chưa phải là địa bàn trọng điểm về ma túy của cả nước, chưa có vụ việc mua bán, tàng trữ ma túy lớn, mà chỉ nhỏ lẻ.

MA TÚY LEN LỎI NHIỀU NƠI 

Thượng tá Trịnh Đình Thành - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Kiên Giang cho biết các đối tượng lên mạng xã hội giao dịch, hoặc mua trực tiếp ma túy từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai... sau đó vận chuyển bằng xe khách, gửi qua đường bưu điện về Kiên Giang.

Khi có hàng, các đối tượng chia thành bịch nhỏ rồi bán lại cho các con nghiện. Một số đối tượng nghiện ma túy dùng để thỏa mãn cơn nghiện, hoặc bán lại kiếm lợi nhuận. Đối tượng cầm đầu đường dây thường thuê nhà trọ để cất giấu ma túy và làm điểm giao dịch. Khi các con nghiện cần thì liên hệ đối tượng bán ma túy qua điện thoại rồi hẹn địa điểm giao. “Đàn em” đi giao sẽ được trả một ít ma túy để dùng gọi là “thù lao”.

Công an tỉnh Kiên Giang bắt một vụ vận chuyển ma túy. Ảnh: VĂN VŨ.

Nắm được phương thức nêu trên, thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang kịp thời phát hiện, bắt, xử lý nhiều vụ việc mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Ngoài trực tiếp truy bắt tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, các năm 2021 và 2022, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh Kiên Giang “đánh” mạnh vào các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy đông người, như cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường.

Các đối tượng thường tụ tập tổ chức “tiệc ma túy” nhân dịp mừng sinh nhật, liên hoan, họp mặt. Ma túy được sử dụng là dạng ma túy đá, hàng kay, bóng cười. Hình thức sử dụng rất đa dạng, từ hít khí, hít trực tiếp, pha vào nước uống...

Theo cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, hiện đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy ở Kiên Giang rất đa dạng, đến từ nhiều địa phương, số lượng càng tăng, trong khi đó độ tuổi trẻ hóa, từ 16-30 tuổi.

Đứng trước phiên tòa xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang mới đây, ngoài Đặng Tuyết Minh (30 tuổi), ngụ tỉnh Đồng Tháp, còn có L.T.M.H (mới 15 tuổi 7 tháng 27 ngày tuổi), L.T. M. T (mới 12 tuổi, 2 tháng, 17 ngày tuổi). T còn nhỏ, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang có công văn gửi về địa phương yêu cầu xử lý T theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Minh 15 năm tù; H 5 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đây, Minh bán ma túy 78 lần, thu lợi hơn 53,8 triệu đồng; trong đó, Minh trực tiếp bán ma túy 9 lần, giao ma túy cho H bán 36 lần, giao ma túy cho T bán 33 lần. Ma túy mà các bị cáo bán gồm 47,166g methamphetamine và 3,9310g heroin.

Đại tá Huỳnh Văn Đông - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết năm 2022, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình nội, ngoại biên, trên biển nên tình hình biên giới ổn định, tuy vậy lực lượng biên phòng đấu tranh và thu giữ 39,926g ma túy tổng hợp.

ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy luôn đầy cam go, quyết liệt. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực vượt khó khăn, hiểm nguy để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tiếp chuyện chúng tôi mới đây, Thượng tá Trịnh Đình Thành và Đại úy Mai Sơn Dương - cán bộ trinh sát của phòng còn “bơ phờ”, vì trắng đêm “đánh án” tại một quán bar ở TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Vụ án triệt phá thành công, giúp hơn 200 gia đình có con em “dính” ma túy sớm được cảnh tỉnh về lối sống buông thả. Đại úy Mai Sơn Dương cho biết, để phá án thành công, đủ cơ sở xử lý hình sự các đối tượng, các trinh sát phải nằm vùng, giả dạng. Một trong những hiểm nguy mà trinh sát phòng, chống ma túy đối mặt là tiếp xúc với chất độc hại, một số đối tượng liều mình, sẵn sàng dùng vũ khí chống đối để phi tang vật chứng.

Lực lượng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh Kiên Giang triệt xóa

một quán bar ở TP. Rạch Giá tổ chức cho khách sử dụng trái phép các chất ma túy vào tháng 10-2022. Ảnh: TIẾN DŨNG.

Mới đây, đối tượng Nguyễn Thanh Sang (34 tuổi), ngụ phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá không ngờ mình bị tóm gọn khi ẩn náu tại một chòi lá xa khu dân cư. Sang là tay mua bán ma túy có tiếng trên địa bàn TP. Rạch Giá. Khi biết bị công an theo dõi, Sang ra chòi lá xa dân cư ở nhằm lánh lực lượng chức năng, luôn thủ dao trong người, sẵn sàng chống đối. Thế nhưng, điều mà Sang không ngờ tới là gần một tháng ở ẩn cũng là thời gian Đại úy Mai Sơn Dương cùng đồng đội đeo bám.

Khoảng 10 giờ sáng giữa năm 2022, Sang băng qua cánh đồng để thực hiện “giao dịch” ma túy thì Đại úy Dương bám sát. Phát hiện, Sang rút dao chống trả quyết liệt, cả hai vật lộn trên cánh đồng lúa. Cuối cùng, Sang đành bất lực trước sự quả cảm, quyết liệt của Đại úy Dương, trước khi hai trinh sát khác tới trợ giúp.

Để chủ động đấu tranh tội phạm ma túy, Công an tỉnh Kiên Giang có nhiều hoạt động chuyên biệt tại các địa bàn trọng điểm như: TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá... 

Ngoài ra, Công an tỉnh Kiên Giang còn tăng cường phòng, chống ma túy ở địa bàn biên giới, tổ chức hội nghị phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự biên giới với công an các tỉnh Kampốt, Kép, Preah Sihanouk (Campuchia). Trọng tâm của công tác phối hợp là kịp thời trao đổi, giải quyết vụ việc có liên quan theo nguyên tắc trực tiếp, đồng cấp trong đấu tranh tội phạm ma túy; đồng thời, Công an tỉnh Kiên Giang hỗ trợ công an các tỉnh của Campuchia 110 triệu đồng, 400 mẫu thử ma túy để phối hợp phòng, chống ma túy.

Trong tuyên truyền, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang vận động người dân khu vực biên giới không tiếp tay tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển ma túy. Trung tá Nguyễn Văn Tùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết: “Chúng tôi vận động người dân không tiếp tay cho đầu nậu tham gia mang vác hàng hóa, vận chuyển ma túy qua biên giới; triển khai lực lượng nắm tình hình từ xa, phối hợp các lực lượng ngoại biên ngăn chặn các đối tượng vào khu vực gần biên giới đưa ma túy vào nội địa”.

Ngoài tuyên truyền, mật phục, truy bắt các đối tượng, các cơ quan tố tụng ở Kiên Giang đưa ra xét xử, xử lý nghiêm vụ việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy để răn đe loại tội phạm này.

Khác với nhiều tỉnh, thành phố khu vực, Kiên Giang có hai sân bay nên cũng là điều kiện mà các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là vận chuyển ma túy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết ngoài các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu qua cảng hàng không như rượu, xì gà, điện thoại, vàng, ngoại tệ, thuốc tân dược, mỹ phẩm, vũ khí,... thì vận chuyển trái phép các chất ma túy có nguy cơ cao.

Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời; kiên quyết không để hình thành đường dây buôn lậu, tụ điểm kinh doanh, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, vận chuyển ma túy trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Năm 2022, Công an tỉnh Kiên Giang bắt 223 vụ, 277 đối tượng mua, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 15 người; lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 141 người.

 

Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 2259

Tin liên quan