• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
​Tháng 3 - đường đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc ở thành phố Phú Quốc nhộn nhịp và đông đúc hơn bao giờ hết. Người người về đây đều trong tâm trạng xúc động. Có lẽ, chưa bao giờ và ở đâu, những đòn đánh đập, tra tấn, hành hạ lại độc ác, rùng rợn như những ngón đòn mà bọn cai tù đã trút lên mình các tù binh cộng sản.

Khách tham quan mô hình “chuồng cọp kẽm gai" tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc, do Mỹ - ngụy xây dựng tại thung lũng An Thới. Nơi đây trước kia thuộc ấp 5, xã Dương Tơ; nay là khu phố 6, phường An Thới, thànhphố Phú Quốc. Trại giam bắt đầu hoạt động vào ngày 6/7/1967, và giải thể tháng 3/1973, khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, tù binh được trao trả. 

Toàn bộ khu di tích gồm 2 phần: Phần trưng bày bổ sung di tích và phần phục dựng, tái hiện cảnh trí lịch sử một phân khu trong 44 phân khu thuộc trại giam cũ. Tại phòng trưng bày di tích trại giam tù binh Phú Quốc, quý khách sẽ được xem sa bàn tổng thể của trại giam; một số hình ảnh liên quan đến quá trình hình thành và tồn tại của trại giam và kỷ vật của tù binh đã sử dụng trong trại giam…  

Toàn bộ khu vực này thể hiện qui mô của một phân khu giam. Nhìn vào toàn cảnh, quý khách thấy tất cả được bao quanh bởi nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai và bùng nhùng, đây cũng là nét đặc biệt khác với các trại giam khác. Xung quanh là 4 vọng gác, quân cảnh canh gác 24/24 giờ. Ngoài ra, còn có 10 vọng gác lưu động và đội quân khuyển được thả vào ban đêm, cùng hệ thống đèn điện chiếu sáng toàn khu trại giam. Bên ngoài hàng rào là những bãi mìn, trái sáng dày đặc. Còn xung quanh khu vực trại giam hoàn toàn trống trải, tạo thành một vành đai trắng, cách ly hẳn trại giam với bên ngoài. 

Từ tháng 7/1967 đến tháng 3/1973, địch đã giam giữ hơn 40.000 lượt tù binh. Thành phần tù binh chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng thuộc lực lượng vũ trang quân chủ lực, quân địa phương hoặc dân quân du kích và một số người có tình cảm cách mạng hoặc chỉ sinh sống trong vùng chiến sự bị địch càn quét, bắt đi, tra tấn dã man bắt phải khai nhận là du kích cộng sản…

Bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, trong trại giam, địch liên tục tổ chức phân loại, phân hóa tù binh thành nhiều nhóm: nhóm miền Nam - miền Bắc, chiến sĩ - hạ sĩ quan - sĩ quan. Chúng áp dụng nhiều biện pháp để đánh vào các tổ chức đảng, đoàn trong trại giam, tổ chức chiến dịch đàn áp tù binh. Đồng thời, chúng áp dụng khoảng 45 hình thức tra tấn, sát hại hơn 4.000 tù binh. 

Tại cổng phân khu giam, địch làm một số chuồng cọp để sử dụng giam giữ, tra tấn tù binh. Chuồng cọp ở đây không giống chuồng cọp Côn Đảo hay các nhà tù khác, mà toàn bộ là loại “chuồng cọp kẽm gai". Đặc điểm nổi bật của chuồng cọp này là mỗi loại chuồng cọp đi kèm với nhiều cách hành hạ con người khác nhau. Chuồng cọp này được để ở ngoài trời trong phân khu. Mùa nắng, tù binh phải chịu đựng cái nắng chói chang bỏng da rát thịt từ sáng cho đến tối. Còn mùa mưa, tù binh bị ngâm trong nước, nước mưa thấm vào người lạnh buốt đến tận xương tủy. Phân khu nào cũng có hai, ba chuồng cọp. Theo thống kê của các tù binh Phú Quốc, có nhiều loại chuồng cọp: chuồng cọp ngồi và nằm; chuồng cọp đứng; chuồng cọp nửa nằm, nửa đứng…  

Thông điệp cho mai sau

50 năm đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước, bởi hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông. Những người trở về từ “địa ngục trần gian", tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Những vết thương trên thịt da đã lành; những nỗi đau tinh thần cũng dần nguôi ngoai. 

Đồng chí Hồ Đắc Thuận, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố Phú Quốc, cho biết: Mỗi năm khu di tích đón trên 10.000 lượt khách. Có những tù nhân cũ trở về thăm lại nhà ngục xưa. Nhiều du khách trẻ tuổi ở mọi miền đất nước, khi đến Phú Quốc du lịch, ngoài những thắng cảnh nổi tiếng, cũng không quên ghé thăm di tích này. Khách nước ngoài đến thăm di tích mỗi lúc một đông hơn. Còn học sinh trên đảo thường đến đây để học những trang sử sống động về Phú Quốc và lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Chính vì tầm qua trọng của di tích mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Dự án nhằm khôi phục, tu bổ một số điểm di tích ghi dấu các sự kiện quan trọng, giữ gìn chứng tích lịch sử là nơi trưng bày hiện vật liên quan đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Qua đó, góp phần cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các hình ảnh, cùng các tài liệu có liên quan nhằm tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về" sẽ được diễn ra từ ngày 25-26/3/2023, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với người có công với cách mạng. Qua đó, giáo dục truyền thống cánh mạng “Uống nước nhớ nguồn", “Đền ơn đáp nghĩa" cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 2040

Tin liên quan