• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Là một trường vùng sâu, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng (Giồng Riềng) từng bước nỗ lực vượt khó, ứng dụng phối hợp các phần mềm để nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, tạo nên các bài giảng sinh động, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi tăng lên qua từng năm học.

Thầy Lê Văn Duẩn - giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng

ứng dụng phần mềm Geogebra trong dạy hình học không gian. 

TỪNG BƯỚC ĐỔI MỚI

Hiện ngày càng có nhiều phần mềm hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giảng và giảng dạy, giúp giáo viên có những bài giảng chất lượng hơn, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức và thuận tiện trong việc ôn tập. Nhận thấy lợi ích đó, nhiều năm trước, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng có hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy từng môn học. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện, trường gặp nhiều khó khăn: Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế, chưa đồng đều; trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được việc dạy và học... Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Ban giám hiệu và giáo viên, trường từng bước khắc phục khó khăn. Thầy Phạm Phước Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng cho biết: “Ban giám hiệu trường quyết liệt triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và được sự đồng thuận cao trong giáo viên. Do kinh phí còn hạn chế, trường đầu tư từng bước qua từng năm học. Từ việc tiết kiệm chi tiêu và trích nguồn thu từ một số dịch vụ, trường đầu tư trang thiết bị cho các phòng học để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, khoảng 80% phòng học của trường có trang bị tivi, máy vi tính cho giáo viên trực tiếp giảng dạy”.

Để giáo viên làm quen và tiếp cận việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, trường tổ chức những buổi họp chuyên đề, động viên các thầy cô có trình độ công nghệ thông tin tốt, ứng dụng các phần mềm dạy học hay chia sẻ với các đồng nghiệp khác. Giờ đây, 100% giáo viên của trường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, trong đó có trên 50% giáo viên sử dụng tốt, số còn lại sử dụng khá tốt các phần mềm ứng dụng vào trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Cô Lê Hương Nhi - giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng chia sẻ: “Vài năm trước, giáo viên và học sinh ở trường còn dạy và học theo cách truyền thống. Khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, giáo viên, học sinh có nhiều bỡ ngỡ. Để áp dụng phương pháp dạy học mới, tôi và những giáo viên khác đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu tính năng từng phần mềm áp vào từng bài cho phù hợp. Khi ứng dụng các phần mềm vào giảng dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng các phần mềm để học tập đạt hiệu quả cao. Học sinh học hứng thú hơn với nhiều hình ảnh minh họa sinh động và học tập chủ động hơn”.

Cô Lê Hương Nhi - giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng

ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy môn hóa học.

VẬN DỤNG SÁNG TẠO - NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Các phần mềm soạn giảng thường được giáo viên trường ứng dụng trong soạn giảng như PowerPoint, Latex, Geogebra… Các phần mềm ứng dụng để giảng dạy như Zoom Meeting, Google Meet, K12, LMS, Azota… Tuy nhiên, các phần mềm thường chỉ có một số tính năng miễn phí, các tính năng nâng cao khác thì người dùng phải trả phí hàng tháng. Do đó, giáo viên trường sáng tạo kết hợp các tính năng miễn phí của các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy một cách phù hợp nhất. Việc phối hợp này cho phép giáo viên chỉ sử dụng các tiện ích miễn phí của phần mềm mà không cần phải mua bản quyền tiết kiệm cho nhà trường hơn 25 triệu đồng mỗi năm.

Từ việc áp dụng đúng quy trình và khai thác triệt để các tính năng miễn phí của các phần mềm ứng dụng đã tạo nên các bài giảng sinh động, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức, việc kiểm tra đánh giá được thực hiện nhanh gọn, chính xác, khách quan hơn. Các bước lên lớp được thực hiện thông qua việc áp dụng các phần mềm một cách hợp lý, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập, chất lượng bộ môn được nâng cao. Em Lê Trần Thiên Như - học sinh lớp 12C chia sẻ: “Em thấy thích thú khi thầy cô sử dụng các phần mềm trong quá trình giảng dạy, vì qua đó chúng em được quan sát hình ảnh một cách trực quan hơn, được xem phim tư liệu, thực hành thí nghiệm ảo, chúng em dễ hiểu bài hơn. Chúng em cũng có thể làm bài tập về nhà thông qua điện thoại thông minh và gửi cho thầy cô nhận xét. Các tiết học trên phần mềm hỗ trợ như thế thì thường nhẹ nhàng và linh hoạt hơn”.

Buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ toán Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng về ứng dụng các phần mềm trong giảng dạy

Các hoạt động khác của trường cũng được ứng dụng công nghệ thông tin và qua đó cũng mang lại hiệu quả tuyên truyền và giáo dục rất tốt. Trên 99% các bộ môn điều sử dụng công nghệ thông tin, kể cả các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, trải nghiệm… Từ việc xác định thực trạng và ý nghĩa của ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giáo dục, chất lượng giáo dục của trường những năm qua ổn định và có bước phát triển. Qua mỗi năm học, trường thống kê tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt từ 50-60%; nhiều năm học liền, tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100% và đứng trong tóp 10 trường trong tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen về “Duy trì và nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông.Hàng năm, trường có trên 35 giải học sinh giỏi các cấp, riêng năm học 2022-2023, trường có 53 giải.

 

Tú Anh
Số lần đọc: 1564

Tin liên quan