(KGO) - Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ngành nông nghiệp Kiên Giang đang dần bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀO SẢN XUẤT Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về nông nghiệp, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc thực hiện số hóa văn bản của ngành trên môi trường công nghệ số, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống cống thủy lợi, chuyển từ vận hành bằng tay sang hệ thống Scada (điều khiển từ xa). Trong quan trắc môi trường thực hiện bằng các cảm biến thông minh, các chỉ tiêu môi trường sẽ được phân tích và xuất kết quả bằng dữ liệu số hóa, người dân có thể xem và cập nhật thông tin trực tiếp thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng tích hợp ứng dụng công nghệ số vào các chương trình, dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy, mạnh dạn tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) kiểm tra mực nước trên đồng ruộng thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Có thể thấy nông nghiệp Kiên Giang đang dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, ngày càng hiệu quả và phát triển bền vững hơn. Nông dân có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) mạnh dạn đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc nước thông minh, tích hợp vào ứng dụng trên thiết bị di động, nông dân ngồi ở nhà vẫn có thể biết được thông tin về diễn biến tình hình mực nước trên đồng ruộng. Hoặc với mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, nông dân chỉ cần truy cập vào điện thoại là có thể biết được tình hình sâu rầy, dịch bệnh trên đồng mật độ ra sao, từ đó có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc thích hợp. Anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh Niên Phú Hòa cho biết: “Nhờ áp dụng công nghệ quan trắc nước và sâu rầy thông minh qua phần mềm trên điện thoại giúp thành viên hợp tác xã giảm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao được lợi nhuận. Ước tính mỗi vụ các thành viên giảm từ 1-2 triệu đồng chi phí bơm tưới, thuốc bảo vệ thực vật”. ĐƯA SẢN PHẨM LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Công nghệ số không chỉ được áp dụng trong sản xuất mà còn được nông dân trong tỉnh áp dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang thương mại điện tử. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Kiên Giang Huỳnh Thanh Liêm, toàn tỉnh có khoảng 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã được các chủ thể, doanh nghiệp và hợp tác xã đưa lên các sàn thương mại điện tử như kiengiangpromotion.vn, kigi.com.vn, PostMart.vn, gian hàng số của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Thông qua việc chào hàng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử tạo cơ hội cho các chủ thể sản phẩm OCOP mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) kiểm tra mực nước trên đồng ruộng thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Ông Đinh Minh Trí - chủ cơ sở sản xuất chả lụa Minh Trí, xã Tân An, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chia sẻ: “Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống như chợ, siêu thị, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, sản phẩm chả lụa Minh Trí cũng được quảng bá, bán trên các sàn thương mại điện tử, trang fanpage của cơ sở sản xuất… Nhờ đó nhiều khách hàng biết đến sản phẩm hơn, cơ sở sản xuất có thêm nhiều đơn đặt hàng so với trước”. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hạ tầng chuyển đổi số của ngành còn ở mức độ hạn chế, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân vẫn còn hạn chế… Thời gian tới, để việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số với ngành nông nghiệp đến người dân; tăng cường công tác phối hợp với các viện, trường vận dụng tối đa chuyển đổi số vào các chương trình, dự án của ngành…
Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 2167
|
Tin liên quan
|